Trang

25/6/20

PHÚC LẠC TỪ TRỜI – Liễu#3

Nhà đợi chủ, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Nhiên, bất động sản, viết về nhà, đô thị vị nhân sinh, Đội Cấn , Liễu Giai

Cây cao trước nhà chẳng hiểu là cây gì. Dường như là “roi”. Lần đầu nghe tiếng “roi” sao mà lạ lẫm! Có lẽ ở miền Nam tôi sẽ gọi là mận. Chuyện danh xưng sẽ là dịp khác.

Nơi tôi tạm trú cách cây chỉ vài bước chân. Cây cao phải hơn 3 tầng lầu. Ở đoạn ngách này còn có thêm 3 cây cao nữa. Tán rộng của cả 4 như một vòng tay ôm / che kín cả bầu trời. Nắng mưa khó chạm tới khách bộ hành. Như một vùng thời tiết hay cũng có thể là tâm cảnh. Thời tiết khác, tâm cảnh khác, mát, nhẹ, không nóng bức, không trì nặng cho bất kỳ ai mỗi khi tình cờ hay chủ ý bước vào. 

Cây roi này thuộc về khuôn viên của một quán cà phê. Nhà tôi thuộc về mặt hậu của quán. Kiến trúc của quán không phải là một khối gạch đá như cũi lồng giam hãm con người mà có nhín chừa một khoảng sân trước mặt và hàng hiên bao quanh khu nhà. Quán theo phương hướng hoài cổ nhưng âm nhạc bật lên thường là những bài hát thời trang trong khoảng 20 năm gần nhất. Tây Ta Hàn Trung đủ cả. Lai lịch của chúng chẳng phải đúng như số năm thời gian ghi trên biển hiệu. Điều đáng kể nhất ở đây là âm lượng.

Từ 7 đến 8 giờ sáng thường là khi nhạc to nhất. Nhưng to ở nghĩa vừa phải, không gây phiền nhiễu. Những xập xình nhỏ dần nhỏ dần cho đến lúc tắt hẳn trước 8 giờ. Có lẽ đó là một dạng bài tập khởi động đầu ngày cho đôi tai chủ nhân. Hoặc là một nỗ lực hâm nóng sinh khí cho không gian bằng thức dâng âm nhạc. Thỉnh thoảng trong ngày vẫn có lúc nghe thấy tang tình. Nhưng vì rất nhỏ, có khi đứt đoạn nên tạo cảm giác quán này không hề dùng nhạc để phục sức. Đây thật sự là một niềm thanh thản cho những cư dân xung quanh, những người chọn làm việc tại nhà. Sự phiền toái và bực dọc nếu có thì đích thị nguồn cơn phải là những tiếng hát rơi vãi từ những chung cư cao tầng cách đây 3, 4 ngách ngõ.

Lựa chọn đêm thứ 6. Hoặc thỉnh thoảng là 2 ngày cuối tuần. Đó là những người Ấn Độ hoặc có thể là một nhóm ngoại quốc ngụ cư nào đó. Họ thường tụ tập hát nhóm. Có lúc tôi nghe được cả tiếng Việt chen lẫn. Dịp tháng 5 hầu như tuần nào cũng ầm ĩ. Rõ ràng là một dịp mở hội ăn mừng. Phải chăng là ăn mừng cho những “điều kiện bình thường” nay trở lại?  

Dầu sao thì quốc nạn mà lòng dân đã oán hận và nguyền rủa chỉ hoành hành ở mức độ vừa phải hoặc dưới mức đó một chút. Sự mượn nhạc để giải sầu chỉ xảy ra 1 ngày trong tuần. Phần lớn thời gian còn lại vùng khí hậu nơi đây là an tĩnh. Nằm giữa 2 Viện (Viện Cơ Học và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội), là ngõ cụt, các khối nhà cách nhau một giãn biên vừa phải, không đối mặt, nhà này là mặt hậu của nhà kia và lại cách xa với những tuyến giao thông chính. Tôi chưa thể tìm hiểu kỹ về trình độ dân cư nhưng phải chăng vị trí địa lý vừa nêu chính là điều kiện tiên quyết khiến cho ô nhiễm tiếng ồn chưa xâm lăng nơi này?

Vì có nhiều cây cao, vì ít ai thi thố hòa thanh thế nên rạng sáng, ban trưa đều có thể nghe tiếng chim hót. Không cần tới một trình độ định tĩnh thâm sâu, chỉ vài phút giây thư thái, buông bỏ công việc là đã có thể thâu nhận những âm vang bình yên thánh thót từ trời!

Có đôi khi tôi nghĩ rằng sự trong sạch và lành mạnh của âm thanh là nhờ vào bàn tay thủ hộ của nhiều vị thần! Có bàn tay thủ hộ thì cũng có vòng vây tà quái đang siết chặt. Thần Phật đi nghĩa là yêu ma tới. Nếu kẻ phàm phu như tôi không trân trọng, không tìm cách gìn giữ, không suy xét để sàng lọc những hạt khôn thì… 
… niềm phúc lạc 
hôm nay, 
nơi này 
không thể bền lâu!

#Nhiên
25.6.2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét