Trang

25/6/20

MỘT GÓC NHÌN KHÁC – Nhật#1

Môi trường xây dựng – Một góc nhìn khác về Nhật Bản, Triển lãm, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Quỹ Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Japan Foundattion, Kiến Trúc

Bạn nhân viên trực phòng triển lãm đã xin phỏng vấn tôi chỉ sau khoảng 10 phút tôi bước vào phòng. Tôi hẹn bạn một lát sau vì tôi cần thời gian trải qua ở đây. 

Khoảng độ 1 giờ trôi qua, có lẽ chờ đã lâu nên bạn lại chủ động tìm tôi lần nữa. Lúc này tôi vẫn đang ở phòng 1 với các công trình thuộc miền Bắc Nhật Bản. Đang loay hoay tìm số thứ tự công trình tiếp theo thì bạn tiến tới.

Câu hỏi của bạn dành cho tôi cũng là một dạng câu thường gặp. Nếu tôi nhớ không lầm là, “Cảm nhận của anh về triển lãm?”. Tôi không muốn có một cách trả lời công thức nên bần thần một lúc. Không biết bạn có ghi âm không? Hay bạn sẽ xử lý thế nào với phần phản hồi của tôi. Nhưng tôi nghĩ mình đã nói không trọn vẹn. Đúng ra thì cần phải đến một độ chín mùi nào đó thì tôi mới có thể diễn tả hết cảm nhận của tôi về triển lãm này. Tên gọi đầy đủ “Môi trường xây dựng – Một góc nhìn khác về Nhật Bản”.

Cho đến lúc này, nghĩa là đã 6 ngày từ hôm tham dự (19.6.2020), tôi vẫn tin rằng rằng đây là hoạt động thú vị nhất, gợi cảm hứng, suy tư nhiều nhất cho tôi trong tất cả những lần tham dự các sự kiện do Quỹ Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.


Đầu tiên là ấn tượng thị giác. 

Từ bộ chữ tiêu đề cho đến cách sắp đặt triển lãm, tôi thấy có tính nhất quán. Sự đồng bộ này khiến tôi vô cùng thích thú. Những khối lập phương từ trong dáng chữ trên kênh truyền thông tiếp tục được duy trì trong cách bài trí 2 căn phòng triển lãm. Đây cũng là sự lạ thường đối với tôi. Thường thì khi dự triển lãm, người tham dự sẽ đứng, đi và nhìn lên. Nội dung chính của triển lãm lại được in thành các mảnh gỗ ghép thành các khối lập phương và đặt trên sàn. Hẳn nhiên vẫn có thể đứng ngắm. Nhưng phần lớn thời gian của tôi là ngồi xem. 

Các phần mô tả được diễn giải bằng tiếng Anh. Đây là triển lãm toàn cầu. Có thể là luân phiên từ quốc gia này sang quốc gia khác. Thế nên để tiết kiệm chi phí, phía tổ chức có lẽ chỉ in theo tiếng Anh để xếp gói xong ở nơi này rồi tiếp tục chuyển dời sang một quốc gia khác. Để giúp khách tham quan thuận tiện, đã có sẵn một bản sách in bỏ túi khổ đứng với tiếng Việt đầy đủ được phát ở cửa ra vào. Đó cũng là vật phẩm lưu niệm mà tôi sẽ gìn giữ bởi lẽ công việc quán chiếu về các công trình sẽ còn tiếp diễn. Ít nhất là cho đến hết năm nay. Tôi tin vậy.

Ngoài 2 phòng chính rộng rãi, có thêm 1 gian sát tường có sẵn 2 máy chiếu. Tại đây phát thường trực 2 phim ngắn về công trình tiêu biểu của Nhật Bản. Tôi đã ngồi xem ở đây trước tiên rồi mới đi sang phòng 1 và phòng 2. Giữa 2 phòng lại tiếp tục có 2 màn hình được treo lên ở bức tường. Theo đó là các đoạn phỏng vấn các kiến trúc sư cũng như phim minh họa chi tiết được chọn lọc ra từ 80 công trình trong 47 tỉnh thành trải dài từ Bắc xuống phương Nam quần đảo Nhật Bản.


Thứ hai là nội dung cốt lõi. 

Ngồi đọc các đoạn nhắn gửi (trong sách hướng dẫn, cứ sau khi kết thúc khoảng trên 30 khối kiến trúc là sẽ có một lời tâm sự từ phía giám tuyển), tôi bàng hoàng. 

Từ lâu đối với tôi du lịch không phải là chỉ là đi đến một nơi nào đó, chụp mấy kiểu ảnh cá nhân, ghi chú đôi ba dòng triết lý và rinh về một túi đồ lưu niệm. Cái đó với tôi không phải là du lịch. Đó đơn giản là một tập hợp các hành vi ăn xài. Càng đi được nhiều nơi, càng mua sắm, càng nhận phòng ở những nơi xa hoa hay hùng vĩ thì lại càng tạo thêm sự đố kỵ, tăng thêm ham muốn tiêu dùng hay hiềm hận giữa các giai tầng xã hội.

Đi nếu không tự ý thức về một bộ ứng xử phù hợp thì vô tình hay hữu ý tôi có thể trở thành một tác nhân gây rối loạn cho một vùng đất, cho môi trường tự nhiên và xã hội ở nơi ấy. Lợi ích kinh tế từ khách du lịch là có thật nhưng nếu tự bản thân họ không có ý thức về một bộ ứng xử phù hợp và quan trọng là địa phương không có một kế sách ứng phó dài hạn và có chiều sâu trước dòng người thập phương đổ về thì kết cuộc có thể là thảm họa và xung đột. Thảm họa, xung đột về cả kinh tế, xã hội và văn hóa. Trên hết với tôi, du lịch là đi để học, là nuôi dưỡng hiểu biết, là khơi gợi lòng cảm thông giữa các dân tộc, là tham khảo cách thức mà một địa phương ở một nơi xa lạ đã ứng phó với thiên nhiên như thế nào, đã xây dựng đô thị như thế nào, đã làm gì để duy trì căn tính của vùng đất ấy. 

Tất cả những suy nghĩ thầm kín bên trong này tôi tìm thấy trong các đoạn diễn giải về cuộc triển lãm. Cố nhiên những người Nhật Bản đã viết ra với những thuật ngữ chuyên ngành, tinh gọn, sáng ý, thuyết phục và dễ hiểu hơn tôi rất nhiều.

Có một thứ tình mà tôi nghĩ đến 2 tiếng “tri âm”. Hẳn là vậy, tình ấy đã xảy ra trong tôi khi ngồi đọc mấy trang sách nhỏ. 


Thứ ba, những bài học xương máu từ Nhật Bản.

Trong 80 công trình, chỉ có căn phòng “con nhộng” là quen thuộc. Đúng ra hình ảnh ấy đánh thức trí nhớ về bộ truyện “7 viên ngọc rồng”. Dĩ nhiên giờ thì tôi biết bàn tay thiết kế đứng sau tất cả và cả hoàn cảnh thực tế đã làm điểm tựa cho một trong số những biểu tượng kiến trúc Nhật Bản. Ngoài “con nhộng”, tất cả những trải qua thị giác khác của tôi trong triển lãm là tươi mới 100%.

Nhật Bản là một quốc gia đã kinh qua thảm họa bom nguyên tử. Điều kiện tự nhiên lại vô cùng khắc nghiệt. Thiên tai là một mối họa thường trực. Thế nên thắc mắc đầu tiên của tôi là họ đã dàn xếp thế nào để có thể tồn tại trước sóng thần, núi lửa, những biến cố tự nhiên và cả biến cố từ những nhà máy hạt nhân. 

Kế đó là họ đã làm gì trước những nguồn tài nguyên vốn dĩ đã không dư thừa. Tôi cũng nhìn thấy những giai đoạn ưu tiên kinh tế lên hằng đầu và sự trả giá của Nhật Bản. Cũng như nhìn thấy cả những nỗ lực hòng cân bằng giữa sự phát triển kinh tế và gìn giữ tính đa dạng, bền vững của hệ sinh thái. Và trên hết những điểm mù của tôi nay được sáng tỏ về những trào lưu hay là tư duy thiết kế của Nhật Bản đã biến cải thế nào qua hơn 100 năm. 

Một loạt những dàn xếp, phối hợp Đông Tây, tôn trọng tự nhiên cũng như những bài học đắt giá trong kiến trúc vì sự bỏ qua trải nghiệm người dùng (yếu tố hạt nhân) là điều tôi mong muốn hấp thu nhất. Quan trọng hơn hết là cuộc triển lãm này để lại một sức hấp dẫn lớn lao. Hấp dẫn ở sự khơi gợi. Tựa như ngồi nán ở đây hơn 2 giờ với tôi không thể nào là trọn đủ. Cần phải mất thêm nhiều giờ nữa. Không phải trong phòng mà là ngoài phòng. Tất cả đều có thể trở thành trường hợp để tôi tiếp tục đào sâu với phương pháp nghiên cứu ca. 

Mỗi một công trình là hiện thực cho một cách thức ứng phó với thiên nhiên. Tôn trọng hay bất chấp? Ứng phó với con người. Duy mỹ, chạy theo một triết thuyết hay tựu kết vào con người, duy tình, vị nhân sinh? Ứng phó với sức mạnh kim tiền. Thu lợi 3 đời hay khổ nạn trăm kiếp?

Tôi vẫn sẽ tiếp tục. Ở ngoài căn phòng tầng 1, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

#Nhiên
25.6.2020
(viết sau lần đầu đến với triển lãm "Môi trường xây dựng – Một góc nhìn khác về Nhật Bản" vào thứ 6, ngày 19.6.2020 tại Hà Nội)

1 nhận xét:

  1. Trong tháng 4.2022, tôi có kế hoạch đi Ninh Bình.

    Tôi đánh dấu ý chính thứ 2 và đặt sẵn đường dẫn của bài này trên ảnh bìa (cover) facebook để cho những người bạn mà tôi gặp trước và trong chuyến có thể đọc.

    Tôi xem đây như một cách tự bạch (về tư duy du lịch) và mong có thêm những người bạn mới có chung nếp nghĩ.

    Trả lờiXóa