Ngày 26.6, tôi quay lại Triển lãm “Môi trường xây dựng – Một góc nhìn khác về Nhật Bản” thêm lần nữa.
1.
Hôm 19.6 tôi tham dự lúc 10 giờ sáng. Xem xét, nghiền ngẫm đến hơn 12 giờ trưa vẫn chưa cảm thấy thỏa. Ở phòng 1, tôi chú tâm tốt hơn. Còn sang đến phòng thứ 2 thì bụng bắt đầu đói. Thế nên đi lướt nhanh hơn. Dù đã phần nào nắm rõ tinh thần và nội dung của buổi triển lãm nhưng tôi tự hứa sẽ mời một số bạn quen đến tham gia và ít nhất phải đi thêm 1 buổi nữa.
Đến 26.6 khi thuận tiện tìm đến cổng Bảo tàng Mỹ thuật thì đã hơn 5 giờ chiều. Triển lãm chỉ diễn ra trong ngày. Vậy là đành lỗi hẹn ra về. Hơi tiếc một chút vì không vào xem lại 1 đoạn phim mà tôi tin rằng chỉ trình chiếu trong khuôn khổ sự kiện! Đó là dạng phim tóm lược và mô tả bằng đồ hình một số công trình tiêu biểu. Tôi đã nghĩ rằng sẽ tìm thấy trên mạng. Nhưng rốt cuộc thì không hề có. Những dạng phim phân tích sâu vào kết cấu công trình, cách vận hành theo kiểu sơ đồ giản lược như vậy tôi rất thích. Thôi thì đành chờ một duyên may về sau vậy!
2.
Từ khi cầm được tập sách hướng dẫn của triển lãm, tôi đã có một hành vi lập đi lập lại có phần cưỡng ép và hơi thô thiển. Đó là bất kỳ ai tôi mà tôi có thể trò chuyện quá 5 phút và cảm nhận họ cũng quan tâm đến du lịch thì tôi sẽ mời họ đọc trang số 44 và 45. Nếu nói đây là một hành vi bán hàng hay quảng bá thì tôi hơi kém tài lẫn kém duyên. Sự nhiệt tình pha lẫn ngây thơ, ngô nghê và tùy tiện của tôi chấm dứt bằng trạng thái hổ thẹn mỗi khi tôi bình tĩnh suy xét sau đó. Không nên như thế, rất không nên như thế!
Khi con người chủ động tìm kiếm thông tin hoặc gặp được một kịch bản có đầu tư và được dẫn dắt một cách lịch sự thì tính hiệu quả trong việc chuyển tải sẽ tốt hơn nhiều lần! Lý trí biết rõ điều đó nhưng quả thật không biết bao nhiều lần tôi bị cảm xúc hoàn toàn che mờ.
Ở Hà Nội, một số đồng minh đã rơi vào thế miễn cường ngồi đọc. Rồi đến Huế, tôi gặp được 2 bạn cùng có tên Quỳnh Anh. Tôi lại tiếp tục chìa quyển sách nhỏ để cho hai bạn đứng đọc. Không biết đến bao giờ tôi mới có thể dừng lại những pha cảm tính và đường đột thế này!
3.
Tôi đã thử mời một đồng minh cùng ghi âm phần nội dung của trang số 44+45. Tôi muốn có thêm một giọng nữ cho có tính âm dương. Tiếc là bạn bận nên và có lẽ cũng chưa quen với việc ghi âm nên tôi chưa nhận được bất kỳ một đoạn mp3 nào!
Trong bài viết Nhật#1 tôi đã viết rõ sự tâm đắc của mình đối với cách mà những người tổ chức triển lãm này định nghĩa du lịch (tourism). Định nghĩa hay viết một cách khiêm nhường hơn là “một cách hiểu khác về du lịch” . Đây vốn dĩ là cách hiểu về du lịch của tôi cách nay về trước. Đến khi tìm đúng một người có chuyên môn, dùng những thuật ngữ chuyên ngành để giảng giải tường tận thì bao nhiêu là mừng vui khôn xiết bung bừng!
Do chưa thể tìm được một studio đúng nghĩa (hiểu giản dị hơn thì chỉ là một căn phòng kín không có quá nhiều tạp âm) và không thể chờ đợi lâu hơn nữa nên khi vừa kết thúc chuyến đi Huế tôi quyết tâm ghi âm ngay.
Ngay lúc này, tôi đang ở trong con kiệt gần đường Quang Dũng. Kiệt khá ồn, nhất là vào ban chiều, tiếng đời, tiếng thế gian, tiếng nhạc Âu Mỹ xập xình nghìn chín chín mươi lạc thời, tiếng bọt bia cười nói nham nhở, tiếng tâm thức làng xã thi đua bành trướng bóp nghẹt niềm riêng ki cóp. Trong một hoàn cảnh thảm khốc về sự lành mạnh của âm thanh, để tìm một nơi cách ly thật sự chỉ còn giải pháp là chui vào buồng tắm và khóa kín cửa. Có vài giây vẫn có tiếng máy khoan nhiệt thành của khu nhà đang xây gần đó chen lọt.
Ngồi tổng duyệt tập tin thu được, tôi thở phào nhẹ nhõm. Mất thêm 2 giờ xử lý tôi đã có một phần hình+thanh trực quan gói gọn thành một đường dẫn. Bất kể thời nào về sau có thể đem ra ghi nhớ. Và biết đâu sẽ tìm được một tri âm!
#Nhiên
9.7.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét